Tuyển Quản lý dự án: “Tăng cường tiếng nói và các cơ hội của lao động di cư hướng đến các công việc bền vững”

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Dịch vụ Quản lý dự án: “Tăng cường tiếng nói và các cơ hội của lao động di cư hướng đến các công việc bền vững”

  1. BỐI CẢNH

Theo tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động di cư là hiện tượng diễn ra trên toàn thế giới, tác động lớn đến nhiều lĩnh vực của mỗi quốc gia. Di cư là tất yếu, di cư nội địa có những đóng góp quan trọng và không thể thiếu vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Với việc đáp ứng phần lớn nhu cầu việc làm do phát triển công nghiệp và đầu tư trực tiếp tạo ra, với những cải cách của công cuộc Đổi mới và chuyển một phần tiền thu nhập về những khu vực nghèo hơn ở Việt Nam, di cư đã tạo cơ hội đáng kể cho sự phát triển đồng đều hơn và rộng rãi hơn, góp phần giảm đi sự chênh lệch vùng miền (UNDP, 2012).

Khoảng hai thập niên qua, trong các báo cáo thống kê của các cơ quan chính phủ và các tổ chức chính trị, xã hội tại Việt nam đều cho thấy xu hướng di cư nội địa nông thôn – thành thị tăng nhanh, cả về số lượng tuyệt đối cũng như tăng về tỷ lệ. Tỷ lệ người di cư trong tổng dân số cũng tăng từ 2,5% năm 1989 lên 2,9% năm 1999 và 4,3% năm 2009. (Tổng cục thống kê, 2009). Dự báo có đến 5 triệu người di cư từ nông thôn lên thành thị năm 2019, chiếm 5% tổng dân số (GSO, 2011).

Tuy nhiên di cư cũng là lực lượng lao động dễ bị tổn thương, khó tiếp cận với các chính sách về an sinh xã hội, trong đó có việc làm, đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiếp cận giáo dục, nhà ở, nước sạch…

Đa phần người lao động di cư trong nước với lý do tìm kiếm cơ hội việc làm, tăng thu nhập.  Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ người di cư là công nhân tại các khu công nghiệp rất cao (Đồng Nai: người di cư chiếm trên 60% trong tổng số 744.000 công nhân, Bình dương là 85,5% trong tổng số 819.000 công nhân).  Tuy nhiên, thực tế khoảng 65% lao động di cư không có chuyên môn kỹ thuật, công việc của lao động di cư trình độ thấp chủ yếu là những công việc chân tay, không ổn định, môi trường độc hại, nguy hiểm,  mức lương thấp, thời gian làm việc kéo dài… (nghiên cứu về Di cư nội địa Việt nam 2015 – UNFPA)

Lao động di cư khi ra các thành phố lớn thường phải thuê nhà để ở, đồng thời cũng phải chịu thêm nhiều chi phí khác với mức chi cao hơn người không di cư như tiền điện, tiền nước, tiền học cho con, tiền khám chữa bệnh…. Mục tiêu của đa số người di cư là tăng thu nhập, họ cũng chịu thiệt thòi so với người không di cư vì phải chịu thêm các chi phí trên, do đó họ đã phải lao động với cường độ cao để có thể có được mức thu nhập đủ chi trả cho cuộc sống.

Người lao động di cư Việt Nam, đặc biệt là trong ngành may mặc và điện tử, phải đối mặt với điều kiện làm việc không đảm bảo: họ thường xuyên làm việc với thời gian dài, cường độ làm việc cao, thời gian nghỉ hạn chế, các quy trình nghỉ ốm được kiểm soát chặt chẽ. 90% công nhân thường xuyên làm việc ngoài giờ và 100% các công ty được khảo sát không tuân thủ luật pháp về số giờ làm thêm tối đa (Oxfam, Khảo sát đầu kỳ của dự án, 2018). Đa số người lao động, nhất là người di cư, vẫn có nhu cầu làm thêm giờ, thậm chí vượt quá ngưỡng quy định theo luật về thời giờ làm thêm, để có thể kiếm đủ tiền trang trải cho nhu cầu sống tối thiểu của mình. Điều này được giải thích bởi thực tế là, nếu không làm việc ngoài giờ, tiền lương của họ không đủ để có một cuộc sống tử tế, đặc biệt là để chăm sóc sức khỏe. Làm thêm giờ ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân, khiến công nhân kiệt sức sau một ngày làm việc. 69% công nhân bị đau đầu, chóng mặt, tụt huyết áp, đau lưng và đau cổ do thường xuyên phải ngồi trong một thời gian dài và trong tư thế cúi gập người. 53% công nhân không có đủ tiền để trang trải chi phí điều trị y tế và phải vay từ bạn bè hoặc người thân của họ. Ngoài ra, công nhân có thể phải tiếp xúc với các điều kiện làm việc chưa đảm bảo. Một nghiên cứu năm 2013 của Oxfam và CDI về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong ngành điện tử cho thấy ước tính 200.000 công nhân trong ngành công nghiệp điện tử, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 30, có nguy cơ đối với các điều kiện làm việc nguy hiểm do hóa chất sử dụng trong sản xuất và quá trình lắp ráp. Đặc biệt, tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của công nhân, nhất là là sức khỏe sinh sản và tình dục của họ. Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, đến ngày 31 tháng 12 năm 2012, khoảng 28.000 công nhân trong ngành công nghiệp điện tử đã mắc các bệnh nghề nghiệp, trong đó các bệnh liên quan đến hóa chất chiếm 10%.

Công nhân làm việc tại các nhà máy, đặc biệt là trong ngành may mặc, cũng phải đối mặt với mức lương thấp. Mức lương tối thiểu theo luật định của Việt Nam thấp hơn nhiều so với những gì một người cần để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của những người công nhân và gia đình họ như thực phẩm, nhà ở, y tế và giáo dục. Mức lương tối thiểu trung bình quốc gia tại Việt Nam là 3,34 triệu đồng, tương đương 128 EURO, bằng khoảng 37% mức lương của Châu Á và 64% mức lương tối thiểu của Liên minh lương tối thiểu toàn cầu (Oxfam, Hậu quả của mức lương thấp trong ngành sản xuất thời trang Việt Nam, 2018). Ngay cả khi xét đến thu nhập từ làm thêm giờ, hơn 52% người lao động ở Việt Nam đang có thu nhập dưới mức lương tối thiểu của Liên minh lương tối thiểu toàn cầu và vẫn là 99% so với Mức lương của Châu Á. Tiền lương của một số công nhân có thể đạt tới 10 triệu đồng, tương đương 384 EURO mỗi tháng, nhưng để có mức thu nhập đó thì những công nhân này phải làm việc quá sức và đã tự đẩy mình đến giới hạn tối đa của việc làm thêm giờ với hậu quả nặng nề đối với sức khỏe và cuộc sống của họ. Tiền lương thấp là nguyên nhân của phần lớn các tranh chấp lao động ở Việt Nam và là nguyên nhân cơ bản khiến cho mối quan hệ lao động trở nên phức tạp. 39,5% trong số hàng ngàn tranh chấp tại các doanh nghiệp kể từ năm 1995 đến nay đã diễn ra trong lĩnh vực may mặc và một trong những lý do chính là lương thấp. (Oxfam, Hậu quả của mức lương thấp trong ngành sản xuất thời trang Việt Nam, 2018)

Công nhân không nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và quyền của họ đối với thương lượng tập thể. Người lao động có quyền thương lượng tập thể theo quy định của Bộ luật Lao động, tuy nhiên họ phải hiểu và chấp hành đúng theo quy định pháp luật. Nghiên cứu chỉ ra rằng 74% người lao động không biết về cách tổ chức thương lượng tập thể hiệu quả (Oxfam & CDI, Nghiên cứu đầu vào Dự án Thúc đẩy tiếng nói của công nhân, 2018). Do khuôn khổ pháp lý rất phức tạp nên công đoàn cũng rất khó trong việc đứng ra tổ chức các cuộc đình công. Do đó, gần như 100% các cuộc đình công là do các công nhân tự phát tổ chức, và như vậy thường không đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật cũng như không đạt mục tiêu. Vì vậy, những vấn đề tồn tại ở cấp doanh nghiệp vẫn tiếp tục. Bộ Luật lao động Việt nam mới sửa đổi cũng quy định rõ thỏa thuận thương lượng tập thể trong các nhà máy sẽ được diễn ra giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nội dung chính của thỏa ước lao động tập thể là tiền lương và điều kiện làm việc. Tuy nhiên, hầu hết người lao động không biết về cách thương lượng tập thể và dường như chưa bao giờ tham gia vào việc đàm phán bất kỳ thỏa thuận hoặc bất kỳ cập nhật thông tin nào. Gần 75% công nhân không biết thương lượng tập thể là gì hoặc thỏa thuận thương lượng tập thể là gì (Oxfam & CDI, Nghiên cứu đầu vào của Dự án Thúc đẩy tiếng nói của người lao động, 2018). Nhiều thỏa thuận thương lượng tập thể trong các nhà máy chỉ mang tính hình thức và được quyết định bởi các chủ doanh nghiệp và đơn giản chỉ để cho chính quyền địa phương thấy rằng các nhà máy vẫn đang tuân thủ luật pháp. Điều này cũng là một khó khăn của các cơ quan chính phủ khi vừa muốn bảo vệ người lao động tại các nhà máy, vừa không có đủ bằng chứng để có thể can thiệp, hỗ trợ người lao động thực hiện các quyền của mình.

Lao động nhập cư cũng bị hạn chế khi tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội tại nơi họ di cư đến làm việc. Hiện tại người di cư phải chi trả phí cao hơn cho các dịch vụ công như điện, nước sạch, và họ gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp cận các dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe (Oxfam, Rào cản chính sách và thực tiễn cho người lao động di cư tiếp cận với dịch vụ an sinh xã hội, 2015). Chỉ có 7,7% trẻ em di cư tiếp cận được đến với nhà trẻ công và 12% trẻ em di cư đến trường mẫu giáo công. Hầu hết trẻ em con của công nhân di cư phải đến nhà trẻ và mẫu giáo chăm sóc ban ngày của tư nhân hoặc các nhóm chăm sóc trẻ tại nhà (Oxfam & CDI, Nghiên cứu đầu vào của Dự án Thúc đẩy tiếng nói của người lao động, 2018). Nhiều người lao động di cư trong khu vực chính thức không hiểu đầy đủ các quyền và lợi ích của họ đối với các dịch vụ xã hội và dịch vụ công tại nơi làm việc và nơi cư trú. Truyền thông hiện tại về các dịch vụ xã hội và dịch vụ công chủ yếu đến được với người dân địa phương, nhưng chưa đến được với đa số người di cư. 36,4% lao động di cư trong khu vực chính thức không biết truy cập thông tin và tư vấn về luật lao động và bảo hiểm xã hội ở đâu. (Oxfam, Rào cản chính sách và thực tiễn cho người lao động di cư tiếp cận với bảo trợ xã hội, 2015).

Năm 2010, số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng cho thấy tỷ lệ phụ nữ di cư tăng từ 42% năm 1989 lên 50% năm 1999 và đạt gần 55% vào năm 2010. Lao động trong ngành may mặc chủ yếu là phụ nữ, chiếm 58% (GSO), nhóm đang phải đối mặt với mức lương thấp, điều kiện làm việc kém và đặc biệt là sự phân biệt đối xử về tiền lương và thăng tiến tại nơi làm việc.

Thời gian tới, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng như các tác động từ dịch bệnh COVID, thị trường lao động Việt Nam sẽ có nhiều thách thức mới; mức độ rủi ro về việc làm ở nhóm lao động có trình độ và kỹ năng thấp, lao động nữ, lao động trung niên và cao tuổi có khả năng tăng lên. Một dự án tập trung vào việc tăng cường năng lực cho người lao động cũng như tăng cường cơ hội tiếp cận dịch vụ việc làm, đặc biệt là lao động di cư, trong đó chú trọng đến lao động nữ, là việc làm hết sức cần thiết, góp phần hỗ trợ an sinh xã hội, giảm nghèo và phát triển bền vững, góp phần thực hiện đúng các định hướng của chính phủ Việt nam cũng như các Hiệp định quốc tế mà Việt nam tham gia

  1. MỤC TIÊU:
  • Đảm nhiệm vị trí Quản lý dự án “Tăng cường tiếng nói và các cơ hội của lao động di cư hướng đến các công việc bền vững” đáp ứng được yêu cầu của đề cương dự án và tiêu chí của nhà tài trợ đề ra
  1. KHUNG THỜI GIAN DỰ KIẾN
  • Thời gian làm việc của tư vấn dự kiến từ tháng 05/2020 cho đến thời điểm dự án kết thúc nhu cầu sử dụng tư vấn, quản lý dự án.
  1. NHIỆM VỤ YÊU CẦU ĐỐI VỚI TƯ VẤN

Tư vấn được đề nghị thực hiện các nhiệm vụ sau:

  • Phối hợp với Giám đốc dự án và kế toán dự án xây dựng ngân sách dự án, điều chỉnh ngân sách khi có yêu cầu của nhà tài trợ.
  1. Phối hợp với các đối tác dự án thực hiện các hoạt động dự án theo Thỏa thuận hợp tác và Ngân sách dự án ký kết giữa Oxfam và LIGHT
  2. ĐẦU RA MONG ĐỢI
  • Triển khai các đầu hoạt động đảm bảo chất lượng và tiến độ thời gian.
  • Báo cáo kịp thời ban lãnh đạo khi có các vấn đề phát sinh đột xuất cần được giải quyết liên quan đến hoạt động dự án
  • Mỗi kỳ báo cáo đưa ra được báo cáo hoạt động dự án đầy đủ chính xác báo cáo nhà tài trợ.
  1. CƠ CHẾ BÁO CÁO:
  • Báo cáo định kỳ theo yêu cầu của nhà tài trợ (3 tháng, 6 tháng)
  • Báo cáo cập nhật báo cáo hoạt động khi có yêu cầu của nhà tài trợ
  1. . NĂNG LỰC YÊU CẦU

Tư vấn cần đáp ứng những tiêu chí sau:

  • Kinh nghiệm quản lý các dự án từ 3 năm trở lên
  • Thanh thạo tiếng Anh
  • Thành thạo tin học văn phòng
  • Kỹ năng làm việc nhóm tốt
  • Thời hạn nộp hồ sơ cho LIGHT: trước 17h ngày 20/04/2020
  • 7 MỌI THÔNG TIN LIÊN HỆĐào thị Giang – Email: giang.daothi@lightvietnam.org ; SĐT 0975388666