Thiếu thông tin là một trong nhiều nguyên nhân làm cho di cư lao động thiếu an toàn, do vậy cần tăng cường truyền thông và tập huấn cho lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số di cư.
“Sau khi học xong lớp 12, tôi quyết tâm đi khỏi quê để chứng minh cho bố (người luôn cho rằng con gái chẳng làm được gì và không cần học cao) biết mình có thể làm được điều mà bố cho là con gái không làm được. Qua người môi giới, tôi và 2 chị cùng quê vào Sài Gòn năm 2002. Để có chuyến đi này, gia đình tôi phải bán đi 1 con trâu để chi tiền cho môi giới. Đến nơi chúng tôi bị người môi giới bỏ lại một nơi và không tìm việc cho. Sau 10 ngày loay hoay ở nơi ở mới, tôi nộp hồ sơ xin việc tại Công ty TNHH NISEI Electrics và may mắn tôi là 1 trong số 15 người được chọn vào làm trong số hàng trăm người nộp đơn. Hai người đi cùng không may mắn như tôi. Hơn hai tháng trời các chị ấy vẫn không tìm được việc, sống cuộc sống vô cùng khó khăn, phải vay mượn để sống qua ngày. Nghĩ lại chuyến đi ấy, em vẫn còn sợ vì nếu bị đưa qua biên giới thì mấy chị em không biết phải làm thế nào.” – Bạn H.T.X, dân tộc Nùng, quê Yên Bái kể lại.
Tại buổi trao đổi về Di cư an toàn, 15 thành viên nhóm Hạt nhân thay đổi ở Hà Nội đã sôi nổi thảo luận về lý do chủ yếu mà họ quyết định đi di cư lao động gồm: Tìm việc làm tốt hơn, công việc và thu nhập ổn định hơn, kiếm tiền giúp gia đình, học tập thêm kinh nghiệm, hiểu biết hơn để đổi đời, cuộc sống ổn định hơn, có cơ hội thăng tiến …. Họ cũng có những ước mơ về cuộc sống ở nơi đến di cư như: cuộc sống giàu có, hiện đại, tư duy tiến bộ hơn; làm giàu để thay đổi cuộc sống, có việc làm hợp ý thích và lâu dài; kiếm được nhiều tiền; kiếm tiền để về mở một cửa hàng… Nhưng không phải cuộc đời toàn màu hồng và mơ ước nào cũng trở thành hiện thực. Trong quá trình di cư có rất nhiều rủi ro rình rập. Một số rủi ro mà các thành viên nêu lên là bị thất bại, không tìm được việc làm, tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp, ốm đau, bệnh tật, bị lừa gạt, bị trộm cắp, không thích nghi được với môi trường mới, bị kỳ thị dân tộc, không nơi nương tựa khi gặp khó khăn, nguy hiểm khi đi trên đường, bị trêu ghẹo, bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bị thiên tai, dịch bệnh trong đó có đại dịch Covid 19 hiện nay ….
Đa số các bạn cho biết xuống Hà Nội làm việc do anh, chị em và bạn bè đã và đang làm ở đây giới thiệu. Có bạn tự xuống khu công nghiệp, xem bảng thông báo tuyển dụng của công ty rồi nộp đơn xin tuyển vào làm. Có bạn về Hà Nội để học nghề và hiện nay đang vừa học vừa làm thêm. Và cũng có bạn đi qua môi giới và đã có trường hợp bị lừa… Hầu hết không tìm hiểu sâu về công việc, chỉ nghe người nhà, bạn bè giới thiệu. Có bạn kể bị lừa làm đa cấp cho Khát vọng Việt. Có bạn bị tai nạn lao động hoặc chứng kiến đồng nghiệp bị tai nạn lao động mất một ngón tay do bất cẩn….
Trong tháng 11/2021, viện LIGHT đã triên khai xây dựng tài liệu truyền thông Bốn infographics về các chủ đề Sinh kế, Bình đẳng giới, Phòng chống bạo lực gia đình và Di cư an toàn, theo kế hoạch, trong tháng 12/2021 các tài liệu sẽ được hoàn thiện và gửi tới nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số tại Điện Biên và nhóm di cư tại Hà Nội
Đây là các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Phụ nữ Dân tộc thiểu số – Thay đổi để thành công” do quy CFIL của đại sứ quán Canada hỗ trợ thực hiện tại Điện Biên và Hà nội từ tháng 8 năm 2021 đến hết tháng 2 năm 2022.