Hội thảo lao động di cư và an sinh xã hội là hội thảo thường niên của mạng lưới Mnet và tổng kết dự án Stones đã diễn ra ngày 15/12/2016 tại Hanoi Club 76, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội.

Hội thảo nhằm mục tiêu cập nhật các thông tin về Tình hình di cư, An sinh xã hội cho lao động di cư, phân tích bối cảnh trong nước và Quốc tế, và chia sẻ thông tin về những hoạt động trong năm 2016, kế hoạch hoạt động tiếp theo để mở rộng hoạt động và thành viên. Đồng thời tổng kết các kết quả đạt được, những phát hiện sau quá trình thực hiện của dự án Stones trên địa bàn phường Phúc Tân và phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tham gia Hội thảo có các đại diện đến từ Bộ Lao động Thương Binh và xã Hội, Hội Liên Hiệp các tổ chức Hữu nghị Hà Nội, Hội LH phụ nữ các cấp, cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam & quận Hoàn Kiếm, các Viện nghiên cứu như Viện Khoa học LĐ XH, Viện khoa học XH vùng Nam Bộ, Viện nghiên cứu Quốc tế và đối ngoại nhân dân. Đến từ các tổ chức quốc tế là trưởng đại diện của UN WOmen tại Việt Nam, các đại diện của Đại sứ quán Đức, Bỉ, các tổ chức INGO: BaTik, GRET, các CSO như CEPHAD, CEPEW, SCDI…cùng tất cả các thành viên của mạng lưới Hành động vì Quyền Lao động di cư: LIGHT, CDI, GFCD, VIJUSAP, PLD, SDRC và đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông, cùng các Lao động di cư tại Hà Nội.

Mạng lưới Hành động vì Lao động di cư, viết tắt là M.net, được thành lập từ tháng 10/2014 từ sáng kiến của một số tổ chức Phi chính phủ Việt Nam làm việc trong lĩnh vực Quyền của Người lao động di cư, nhằm tăng quyền năng cho lao động di cư nội địa, vận động chính sách dựa trên các bằng chứng thực tế để thúc đẩy sự tham gia và tiếp cận bình đẳng của người lao động di cư, đặc biệt là lao động phi chính thức, vào hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam.

Tầm nhìn đến năm 2020 của Mnet

“Đến năm 2020 quyền lao động của người lao động di cư (LĐDC) được đảm bảo công bằng hơn thông qua các hệ thống thiết chế quản lý hiệu quả. Một số mô hình thí điểm nghiệp đoàn của LĐDC được công nhận. Hệ thống chính sách pháp luật có quy định riêng về LĐDC. LĐDC tiếp cận được với các chính sách ASXH đặc biệt là LĐDC phi chính thức. Họ có kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn để có cơ hội việc làm được cải thiện.”

Chiến lược can thiệp

  • Can thiệp trực tiếp thí điểm các mô hình dựa vào cộng đồng nhằm hỗ trợ lao động di cư
  • Xây dựng năng lực cho các bên liên quan chủ chốt về quyền của lao động di cư
  • Vận động chính sách nhằm hướng tới một hệ thống chính sách bình đẳng và dễ tiếp cận hơn cho lao động di cư

Các tổ chức thành viên

Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT)-tổ chức điều phối mạng lưới: Can thiệp cộng đồng và vận động chính sách hướng đến đảm bảo an sinh xã hội cho lao động di cư, đặc biệt là nhóm phi chính thức.

Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI): Nghiên cứu, dự án can thiệp, truyền thông và vận động chính sách hướng đến quyền của người lao động chính thức và phi chính thức, tập trung vào các khu công nghiệp và vùng ven đô.

Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD):  Nghiên cứu, truyền thông và vận động chính sách hướng đến nhóm lao động giúp việc gia đình.

Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển (PLD): Nghiên cứu, can thiệp và vận động chính sách cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP): Nghiên cứu, truyền thông, vận động chính sách, tư vấn pháp luật cho người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội, bao gồm cả lao động di cư.

Trung tâm Nghiên cứu – Tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC): Nghiên cứu, can thiệp và tư vấn pháp lý về ASXH cho lao động di cư phi chính thức.

Dự án Stones trong khuôn khổ chương trình dự án do Viện Light thực hiện, tài trợ bởi Oxfam tại Việt Nam. Stones có nghĩa là “Những viên đá” – khi đặt cái tên Dự án này, LIGHT nghĩ đến nhữg người lao động di cư – họ như những viên đá lát đường thầm lặng ở đô thị, hàng ngày chúng ta vẫn đi mà không để ý đến sự đóng góp thầm lặng đó, đôi khi chúng ta coi thường mà không hiểu rằng chúng ta chẳng thể có con đường đẹp đẽ để đi nếu thiếu những viên đá lát đường đó. Bên cạnh việc  nâng cao năng lực cho người lao động di cư, thành lập và vận hành các nhóm tự lực, Dự án còn tạo cơ hội đối thoại, tăng cường hiểu biết và sự hợp tác hỗ trợ giữa chính quyền các cấp và người di cư, các cơ quan báo chí…. trên cơ sở đó vận động tạo cơ hội thuận lợi cho người di cư thực hiện các quyền về an sinh xã hội.

Một số kết quả đạt được của dự án: Xây dựng tổ chức các nhóm người lao động di cư khu vực phi chính thức, nâng cao năng lực cho nhóm nòng cốt, vận động các cơ quan liên quan để hỗ trợ lao động di cư tiếp cận dễ dàng hơn với BHYT, xây dựng các diễn đàn/đối thoại cấp phường, quận và thành phố…

Một số sản phẩm: photovoice, sổ tay Bài học kinh nghiệm, Phóng sự “Bên lề thành phố”, cẩm nang hoạt động của nhóm tự lực