Nhận thấy tầm quan trọng của việc phòng ngừa và ứng phó với tình trạng quấy rối tình dục trên không gian mạng, ngày 5/3/2022 Phó Thủ tướng Võ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 – 2030”. Hưởng ứng quan điểm của Chính phủ, vào lúc 13h30 ngày 7/3/2022, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Viện Phát Triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT), khởi động chuỗi các hoạt động truyền thông nhằm ngăn ngừa và ứng phó với tình trạng quấy rối tình dục (QRTD) mang tên “Ting ting Văn Minh”.

Sự kiện sẽ diễn ra tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với sự tham gia của các thầy cô, các bạn sinh viên, các nhà hoạt động xã hội và được livestream trên Fanpage của CSAGA, LIGHT, MSD và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

87% phụ nữ tại 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tham gia nghiên cứu của ActionAid đã từng chịu ít nhất 1 hình thức QRTD nơi công cộng. Gần 48% sinh viên  tại 5 trường Đại học đã từng có trải nghiệm hành vi bạo lực tình dục, quấy rối tình dục, trong đó tỷ lệ sinh viên nữ đã từng có trải nghiệm QRTD là 51,9% và nam sinh viên là 38,7% (Theo báo cáo của CSAGA năm 2020).

Trong khi đó, tại các buổi nói chuyện trực tiếp với thanh niên, học sinh – sinh viên tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp và các trường học, phần lớn nam nữ thanh niên đều chưa hiểu rõ về quấy rối tình dục, chưa có đủ kiến thức về luật pháp và cách tự bảo vệ hay ứng phó khi là người trong cuộc và/hoặc chứng kiến sự việc.

Mặt khác, hầu hết các vụ cáo buộc quấy rối tình dục đều rất khó khăn trong thu thập và trình bày chứng cứ. Đường biên giữa những lời trêu đùa, thể hiện tình cảm với quấy rối tình dục khá mong manh, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục về vấn đề này hầu như bỏ ngỏ với thanh thiếu niên. Một bối cảnh khác là các khuôn mẫu xã hội truyền thống dường như cổ vũ cho thái độ lấn tới dù không được chấp thuận của nam giới với phụ nữ. Một số ví dụ rất gần đây cho thấy không ít trường hợp được coi là bình thường, thậm chí được khích lệ khi người nam áp đặt mong muốn của mình lên phụ nữ.

Trong một diễn biến khác, một số nam giới tỏ ra lo ngại khi phong trào chống quấy rối tình dục phát triển trong xã hội. Họ sợ bị oan uổng, sợ mất đi một số quyền lợi mà họ vẫn đang đương nhiên được hưởng. Họ cũng lo ngại đời sống trở nên khô cứng khi các trao đổi tình cảm có khả năng trở thành bằng chứng cho các cáo buộc.

Quấy rối tình dục nơi làm việc đã được đề cập trong Luật Lao động và năm 2019 đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng Bộ quy tắc ứng xử .

Tuy nhiên, hầu hết các trường Đại học, các trường phổ thông cũng như các doanh nghiệp thường lúng túng khi xử lý các vấn đề liên quan tới quấy rối tình dục, xâm hại tình dục khi có phát sinh vụ việc. Các hướng dẫn chi tiết và hệ thống báo cáo về quấy rối tình dục hầu như chưa có tại các cơ sở này.

Theo báo cáo tổng quan ngành Digital tại Việt Nam năm 2021 của We Are Social và Hootsuite, tính đến tháng 1 năm 2021, Việt Nam có khoảng 68,72 triệu người dùng Internet, chiếm 70,3% tổng dân số. Số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam là khoảng 72 triệu người, tương đương 73,7% tổng dân số. Tình trạng quấy rối tình dục trên mạng, qua điện thoại và các hình thức công nghệ cao khác đang ngày một nhiều. Đặc biệt, trong thời kỳ COVID 19, khi sự giao tiếp trực tiếp giữa con người bị hạn chế, thì quấy rối qua mạng xã hội dường như có điều kiện để tăng cao. Mỗi sự việc và thời điểm xảy ra câu chuyện quấy rối tình dục sẽ qua đi, nhưng sự tổn thương sâu sắc thì kéo dài cho tất cả các bên.

Chuỗi hoạt động “Ting ting Văn Minh” lần này của 3 tổ chức được giới thiệu và huy động học sinh – sinh viên từ các trường Đại học, các trường Phổ thông và người lao động trẻ tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hưởng ứng tham gia nhằm có thêm kiến thức, kỹ năng trong phòng ngừa quấy rối tình dục để tránh được nỗi đau, vết hằn không đáng có liên quan tới quấy rối tình dục trong cuộc đời của mỗi người trẻ.

Cả 3 tổ chức  theo đuổi an toàn trong đời sống trong đó tập trung vào phòng ngừa bạo lực giới nói chung và phòng ngừa quấy rối tình dục nói riêng. Mỗi thời điểm, chúng tôi xác định chủ đề trọng tâm vào một hình thức bạo lực/quấy rối để có thể dồn tâm sức, nguồn lực đủ mạnh thực hiện chuyên sâu cho từng chủ đề.

Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc CSAGA cho rằng: “Đã đến lúc vấn đề quấy rối tình dục cần được đưa ra trao đổi cởi mở và nghiêm khắc trên cơ sở tôn trọng và thấu hiểu. Tôi nghĩ không chỉ thanh niên, sinh viên, học sinh cần có các kỹ năng tự bảo vệ, mà nhà trường, Bộ Giáo dục cũng cần coi đây là một vấn đề quan trọng trong hệ thống giáo dục để đầu tư xứng đáng cho các chương trình này”.

Bà Nguyễn Thu Giang – Phó Viện trưởng Viện LIGHT nói: “Để giải quyết vấn đề quấy rối tình dục cần có sự tham gia và chủ động của mỗi người. Các bạn thanh thiếu niên chính là nhân tố quan trọng trong thay đổi các định kiến, các chuẩn mực giới không tốt, gây bất bình đẳng giới, bạo lực giới; Ở từng vị trí, vai trò khác nhau, là học sinh hay sinh viên hay là người lao động tại doanh nghiệp nhưng tất cả các bạn đều là những người có vai trò rất lớn trong góp phần định hình lên các hành vi văn minh của một quốc gia, của xã hội nói không với bạo lực giới, nói không với quấy rối tình dục.”

Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện MSD chia sẻ: “Các bạn thanh, thiếu niên là bộ phận tiên phong trong mọi thay đổi tích cực trong các hoạt động xã hội. Các bạn nhạy bén với các trào lưu mới, nhạy bén và thông thạo về khoa học công nghệ, thông tin và làm chủ mạng xã hội. Tôi tin rằng, khi các bạn nhận thức đúng đắn và toàn diện về vấn đề quấy rối tình dục, bao gồm cả trong cuộc sống lẫn trên các phương tiện kỹ thuật số, các bạn sẽ lan tỏa trong cộng đồng góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh hướng tới chấm dứt mọi hình thức quấy rối. Chúng tôi cam kết đồng hành và hỗ trợ các nhóm thanh thiếu niên trong mọi hoạt động, tạo điều kiện và trao quyền để các bạn thực sự là những thủ lĩnh của sự thay đổi.”

Chuỗi hoạt động mong muốn lan toả tới 1 triệu sinh viên, thanh niên sử dụng mạng xã hội nhận diện, biết cách ứng phó khi bị QRTD trực tuyến.

Chuỗi hoạt động cũng kêu gọi các chương trình tiếp sức từ các cơ quan doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân để có nhiều hơn các thanh niên, sinh viên, học sinh và các bạn trẻ biết cách bảo vệ mình trước tình trạng quấy rối tình dục.

Về Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)

CSAGA là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam hoạt động vì quyền của phụ nữ và nhóm dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng bởi bạo lực và kỳ thị. CSAGA tin tưởng rằng việc cung cấp các kiến thức và khích lệ sự thay đổi hướng tới đời sống văn minh và bình đẳng của người trẻ là việc làm cần thiết. Chúng ta có thể trang bị để tự bảo vệ mình và vì sự an toàn của những người khác. Chúng ta có thể đóng góp một cách tích cực vì hạnh phúc của chính mình và xã hội thông qua các hoạt động thực tiễn.Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ

Liên hệ truyền thông

  • Ms Hoàng Phan Thu Uyên
  • Email: uyenhoang@csaga.org.vn
  • Điện thoại: 02437540421 ( số lẻ 20)
  • Di động: 0348706508

Về Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Viện LIGHT)

Là khoa học xã hội, Viện LIGHT có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, bình đẳng giới, an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững cho người yếu thế, bao gồm người khuyết tật, người di cư, thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số với mục tiêu nâng cải thiện sức khỏe, chất lượng cuộc sống và các điều kiện xã hội của các nhóm yếu thế. Viện LIGHT hướng tới 1 xã hội của sự an toàn-  công bằng và hy vọng – một xã hội mà nhóm những người thiệt thòi được tăng quyền năng để có tiếng nói, có cơ hội hưởng một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc;

Liên hệ truyền thông

  • Bà Phạm Lan Yến, 0904634228
  • Email: phamlanyen@gmail.com

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Hiện nay, MSD được công nhận là một tổ chức đi đầu trong việc phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Thêm vào đó, MSD cũng là một tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua các chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người nhập cư và người khuyết tật, v.v… tại Việt Nam.

Liên hệ truyền thông