Khoảng 10 phụ nữ Việt chết vì ung thư cổ tử cung (UTCTC) mỗi ngày, chủ yếu ở lứa tuổi có năng suất lao động cao nhất. Hơn 90% các trường hợp UTCTC có liên quan đến HPV.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra một loạt các hồ sơ bệnh ung thư, bao gồm một cơ sở dữ liệu về tỷ lệ mắc 27 loại ung thư ở 184 quốc gia, trong đó khoảng 16% trong tất cả các loại ung thư được chẩn đoán có thể do nhiễm trùng. Gần như tất cả các loại ung thư liên quan đến nhiễm trùng do 4 tác nhân: Helicobacter pylori – một loại vi khuẩn đường tiêu hóa, u nhú ở người (HPV – human papillomavirus) và vi-rút gây viêm gan B và viêm gan C. Trong đó, mối liên hệ giữa HPV và ung thư cổ tử cung (UTCTC) mạnh hơn gấp 7 lần mối liên hệ giữa hút thuốc lá và ung thư phổi.

HPV - thủ phạm giấu mặt của 90% ca ung thư cổ tử cung

 

Hầu hết các loại HPV không gây ra triệu chứng và tự khỏi. Tuy nhiên, một số loại có thể gây UTCTC ở phụ nữ và các bệnh ung thư ít phổ biến hơn như ung thư hậu môn, dương vật, âm đạo và âm hộ và hầu họng (mặt sau của cổ họng bao gồm cả lưỡi và amiđan).

Ngoài nguyên nhân chính gây UTCTC, HPV còn là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh ở đường sinh dục như mồng gà, mụn cóc sinh dục. Căn bệnh này thường lành tính, nhưng có nguy cơ tái phát sau điều trị cao, để lại sẹo, các khối u nhú gây cản trở sinh hoạt hàng ngày như: dễ chảy máu, nhiễm trùng ở khe quy đầu, các u sùi ở hậu môn, u nhú ở âm đạo gây sinh khó, băng huyết.

 

HPV - thủ phạm giấu mặt của 90% ca ung thư cổ tử cung

Đã tiêm ngừa, vẫn cần kiểm tra PAP

Theo các chuyên gia về dự phòng và sản phụ khoa, mặc dù có nhiều tranh cãi cho rằng việc tuyên truyền về UTCTC và tác nhân gây bệnh như vậy, có thể thúc đẩy tiêu thụ các vắc xin tiêm ngừa, gây ra những bất thường về tài chính và các yếu tố tiêu cực. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý y tế của nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khuyến nghị nên chủng ngừa HPV cho các cô gái từ 11 hoặc 12, cho đến 26 tuổi, và thậm chí là tiêm ngừa cho cả nam giới. Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã cấp phép chỉ định chích loại vắc xin này cho phụ nữ từ 9 – 26 tuổi.

Theo BS. Hiển, nhiễm một trong số vài týp HPV có độc lực cao không đồng nghĩa với cơ thể của bạn sẽ hình thành ung thư. Một trong những yếu tố dẫn đến UTCTC là mắc các bệnh nhiễm mạn tính. Quá trình này đòi hỏi hàng chục năm cho đến khi các tế bào loạn sản hoặc ung thư xuất hiện. Chính vì vậy, bảo vệ sức khỏe cộng đồng với việc phòng ngừa và điều trị một bệnh nhiễm trùng ở giai đoạn sớm bằng điều trị kháng sinh, tiêm chủng. Các vắc-xin hiện ngừa được các loại HPV phổ biến nhất gây ra 70 – 80% các trường hợp UTCTC (týp 16 và 18), và cũng bảo vệ chống lại các loại HPV chính yếu gây ra mụn cóc sinh dục (6 và 11).

Tuy nhiên điều quan trọng, phụ nữ vẫn phải tiếp tục được sàng lọc UTCTC sau khi đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin ngừa HPV. ThS. BS. Huỳnh Xuân Nghiêm – BV Hùng Vương cho biết: “Vắc-xin không bảo vệ chống lại tất cả các loại HPV, vì vậy, biện pháp quan trọng để phòng ngừa UTCTC vẫn là tiếp tục kiểm tra PAP (phết tế bào âm đạo) để sàng lọc UTCTC và giảm nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Xét nghiệm Pap có thể phát hiện các thay đổi tế bào ở cổ tử cung trước khi chúng chuyển thành ung thư, có thể phát hiện phần lớn trường hợp UTCTC ở giai đoạn sớm và hoàn toàn có thể điều trị được.”

Nguồn: Sưu tầm