Chính vì thế, ung thư CTC đang là vấn đề nóng, khi là một trong những căn bệnh có tỷ lệ gia tăng hàng đầu ở nước ta và đã cướp đi tính mạng của nhiều phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, với các nghiên cứu thực tế, các chuyên gia cho biết, ung thư CTC có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được sàng lọc và phát hiện sớm và rất khó điều trị nếu bệnh ở giai đoạn muộn.
PGS.TS. Lê Trung Thọ (Đại học Y Hà Nội) cho biết: Một nghịch lý là trong khi ung thư CTC gần như có thể dự phòng được, thì bệnh này là loại ung thư phổ biến nhất mà phụ nữ Việt Nam phải chịu. Tại Mỹ, nhờ áp dụng chương trình sàng lọc trên diện rộng và có tổ chức nên tỉ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh. Ở Anh, tỉ lệ mắc ung thư CTC cũng đã giảm mạnh nhờ tiến hành sàng lọc để phát hiện sớm.
Theo PGS.TS. Trịnh Hữu Vách, Giám đốc dự án hợp tác với Úc: Tuy ung thư CTC gây tử vong cao, đặc biệt ở giai đoạn muộn, song nếu phát hiện sớm thì điều trị hiệu quả cao: Phát hiện ở giai đoạn 0 và điều trị thì tỉ lệ sống 5 năm đến 100%, nếu phát hiện muộn giai đoạn 4 thì điều trị tỉ lệ sống 5 năm chỉ có 5%.
Nếu phụ nữ có tầm soát thì mức độ phát triển ung thư là 0,7% và nếu không tầm soát sẽ là 2,5%. Hơn 10 năm không tầm soát thì nguy cơ ung thư CTC tăng 12 lần. Do đó, quá trình khám sàng lọc ung thư CTC là rất quan trọng, nhằm phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư.
Từ quá trình nghiên cứu của mình, PGS.TS Lê Trung Thọ đề nghị: Nên triển khai khám phụ khoa, xét nghiệm tế bào CTC cho toàn bộ phụ nữ, ưu tiên cho nhóm tuổi 30-50 một cách định kỳ, có hệ thống để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời các tổn thương CTC nhằm giảm tỷ lệ ung thư.
Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về bệnh phụ khoa cho phụ nữ, nhất là kiến thức phòng tránh ung thư CTC, chủ động đến cơ sở y tế khám phụ khoa định kỳ và tái khám theo hướng dẫn của cán bộ y tế cũng như cải thiện môi trường sống và làm việc, để giảm tỉ lệ mắc bệnh.
Nguồn: Sưu tầm