DỰ ÁN
Phụ nữ ứng dụng công nghệ số (WODIMO) – Cơ hội tạo thu nhập và tăng cường bảo trợ xã hội cho lao động nhập cư trong khu vực phi chính thức sau COVID-19
ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
TUYỂN TƯ VẤN HỖ TRỢ KỸ THUẬT VÀ PHÔI HỢP THỰC HIỆN CHUỖI CÁC HOẠT ĐỘNG DỰ ÁN VỀ KINH DOANH TRỰC TUYẾN
THÔNG TIN CƠ SỞ
Thông tin về dự án:
Gần 13 triệu lao động phi chính thức làm việc trong nhiều ngành nghề phải đối mặt với cú sốc kinh tế lớn nhất do COVID-19 gây ra. Các biện pháp giãn cách xã hội để ứng phó COVID-19 nhiều khả năng làm giảm nghiêm trọng các lựa chọn thu nhập của những người cận nghèo, như người tái chế rác thải, bán hàng rong và giúp việc gia đình, mà trong số này, gần 95% là phụ nữ. Tác động của COVID-19 đã đẩy phụ nữ, đặc biệt là công nhân may, từ làm việc trong các ngành nghề chính thức sang các hình thức làm việc phi chính thức không đảm bảo (ví dụ: tự kinh doanh nhỏ). Với những người vốn đã làm việc trong khu vực phi chính thức, như người bán hàng rong, thì nhu cầu về dịch vụ của họ giảm do người tiêu dùng thay đổi hành vi do giãn cách xã hội và chuyển từ mua sắm truyền thống, mua sắm trực tiếp trên đường phố sang mua sắm trực tuyến. Dự án Phụ nữ ứng dụng công nghệ số (WODIMO) tập trung vào việc tạo cơ hội gia tăng thu nhập và tăng cường các dịch vụ an sinh cho nữ lao động nhập cư trong khu vực phi chính thức sau COVID-19, thông qua việc sử dụng các nền tảng kinh doanh trực tuyến.
Các kết quả chính của dự án:
Mục tiêu tổng quát: Hỗ trợ việc làm bền vững cho nữ lao động nhập cư trong khu vực phi chính thức và cải thiện tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội trong và sau đại dịch COVID-19
Kết quả 1: Nữ lao động nhập cư khu vực phi chính thức tăng cơ hội tạo thu nhập từ công nghệ số
Kết quả 2: Cải thiện chính sách ASXH đối với lao động khu vực phi chính thức
Lý do/cơ sở và mục đích:
Kết quả đánh giá tác động của COVID-19 đối với tình hình bảo trợ xã hội của nữ lao động nhập cư tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: 49% người tham gia khảo sát cho biết công việc của họ bị ảnh hưởng do các biện pháp phong tỏa, phần lớn họ là người bán hàng rong, thu gom phế liệu/ve chai và người bán vé số dạo; hơn 80% người tham gia bị mất việc làm tạm thời hoặc bị ngừng việc; thu nhập của 38,5% phụ nữ di cư lao động trong khu vực phi chính thức được khảo sát đã giảm đáng kể trong khi 48,33% nói rằng họ không có thu nhập trong thời gian xảy ra đại dịch.[1]
Dự án WODIMO tập trung hỗ trợ phụ nữ nhập cư trong khu vực phi chính thức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, để họ có thêm kiến thức và kỹ năng bán hàng trực tuyến, coi đây như một kênh gia tăng thu nhập cho cá nhân và hộ gia đình. Tính tới cuối dự án (tháng 11/2025), dự án WODIMO hướng đến tuyển chọn 1,475 phụ nữ nhập cư phi chính thức mong muốn phát triển các kênh bán hàng online, cung cấp cho họ các khóa tập huấn từ cơ bản tới nâng cao, kết nối họ với các kênh bán hàng và sàn thương mại điện tử uy tín, ngoài ra, tạo cơ hội để họ tham gia vào các sự kiện kết nối giao thương để quảng bá sản phẩm của mình một cách rộng rãi. Ngoài ra, dự án cũng sẽ hỗ trợ người nhập cư khu vực phi chính thức cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ công và an sinh xã hội, bằng cách đồng hành cùng các chị em, để họ tìm hiểu và chia sẻ các khó khăn họ cùng cộng đồng đang gặp phải, từ đó chia sẻ với các cấp chính quyền địa phương để cùng tìm cách tháo gỡ.
Phạm vi công việc và kết quả chính:
Phạm vi công việc/trách nhiệm:
Các chuyên gia tư vấn cần đáp ứng các tiêu chí sau:
- Các chuyên gia tư vấn sẽ cần nghiên cứu các tài liệu liên quan về lĩnh vực kinh doanh online cùng các cơ hội, thách thức nữ lao động nhập cư tại khu vực phi chính thức có thể gặp phải khi kinh doanh trực tuyến, cùng các nhu cầu thực tế của họ khi tham gia kinh doanh trực tuyến, từ đó tham vấn cho ban quản lý dự án để thực hiện các hoạt động đào tạo cho lao động di cư các kiến thức về kinh doanh online và có các điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện.
- Các chuyên gia sẽ tham gia thực hiện các hoạt động tại thành phố Hà Nội, nhằm đạt được các kết quả mong đợi chung của dự án. Cụ thể:
- Tham gia các cuộc họp lập kế hoạch các hoạt động dự án cùng nhóm chuyên gia.
- Tham gia các hoạt động dự án được chỉ định phù hợp với kinh nghiệm chuyên môn của từng chuyên gia từ lúc lập kế hoạch, thực hiện hoạt động và báo cáo hoạt động.
- Chia sẻ và phản hồi thông tin đến cán bộ đầu mối của LIGHT để kịp thời điều chỉnh nếu cần
- Phối hợp với cán bộ LIGHT để triển khai hoạt động dự án đảm bảo kế hoạch và mục tiêu dự án.
Cơ chế làm việc
Các chuyên gia tư vấn sẽ làm việc trực tiếp với cán bộ đầu mối LIGHT và nhóm chuyên gia LIGHT.
Năng lực yêu cầu:
Các chuyên gia tư vấn cần đáp ứng những tiêu chí sau:
- Bằng cử nhân hoặc Thạc sĩ về các lĩnh vực liên quan.
- Ít nhất 5- 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đào tạo và phát triển con người hoặc trong lĩnh vực liên quan đến kinh doanh online hoặc liên quan đến khởi nghiệp.
- Có kinh nghiệm làm việc với lao động di cư và các nhóm yếu thế, ưu tiên kinh nghiệm đào tạo về các kỹ năng kinh doanh trên các trang mạng xã hội cho các nhóm cộng đồng có sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực
- Có hiểu biết tốt về lao động di cư, quyền lao động và chính sách pháp luật lao động trong nước và quốc tế, an sinh xã hội, bình đẳng giới
- Có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp trên các sàn thương mại điện tử
Nộp hồ sơ:
Các ứng viên quan tâm vui lòng chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Thư bày tỏ sự quan tâm.
- Lý lịch, kinh nghiệm làm việc của tư vấn
Hạn cuối nhận hồ sơ: 17h ngày 26/01/2024. Chúng tôi sẽ liên hệ với ứng cử viên phù hợp với nhiệm vụ
Ứng viên có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Vp LIGHT số 37-39 Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội hoặc nộp qua email: thu.dinhthi@lightvietnam.org
MỌI THÔNG TIN LIÊN HỆ
Đinh Thị Thu- cán bộ dự án. Email: thu.dinhthi@lightvietnam.org ; SĐT 0908 716 777
[1] Lê Phương Hòa, TS – Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Tác động của dịch Covid 19 tới lao động nữ di cư tại khu vực phi chính thức (Nghiên cứu trường hợp Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), tháng 7 năm 2020