Chuyên gia Xây dựng khuyến nghị, đề xuất bổ sung nhóm đối tượng

“Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (người di cư, lao động tự do, lao động khu phi chính thức…) người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc bị giãn việc giảm sâu thu nhập do bệnh dịch, thiên tai mà không căn cứ vào tình trạng nghèo, cận nghèo” vào dự thảo Nghị định 136/NĐ-CP sửa đổi

 

Mạng lưới Hành động vì lao động di cư (M.net) được thành lập từ năm 2014, với 06 thành viên ban đầu và nay phát triển thành 07 thành viên, là các tổ chức xã hội/tổ chức phi chính phủ trong nước, gồm: Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD), Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP), Trung  tâm Nghiên cứu Tư vấn Công tác Xã hội và Phát triển Cộng đồng (SDRC), Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ Gia đình và Phát triển Cộng đồng (CFSCD), Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED). Mạng lưới Mnet được thành lập với mục tiêu:

  • Thúc đẩy sự tham gia và tiếp cận bình đẳng của người lao động di cư Việt Nam với các hệ thống an sinh xã hội
  • Thúc đẩy bình đẳng và đảm bảo quyền của lao động di cư được thực thi thông qua các nỗ lực vận động chính sách và các hoạt động dự án can thiệp cụ thể.

 

Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây gọi chung là Nghị định số 136/2013/NĐ-CP) để chăm lo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Nghị định được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao, coi đó là một chính sách hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với một bộ phận dân cư, những người có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhất hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trước những tác động bất lợi của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện các quy định về chính sách trợ giúp xã hội đã phát sinh một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới:

Chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp mới chỉ bảo đảm hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu, chưa tương đồng với chính sách khác. Trợ cấp xã hội chỉ bằng khoảng 7% thu nhập bình quân, 38% chuẩn nghèo nông thôn. Vì vậy, hiệu quả chính sách chưa cao, chưa hỗ trợ được nhu cầu thiết yếu của đối tượng bảo trợ xã hội. Cần phải điều chỉnh mức chuẩn phù hợp để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm dân cư yếu thế. Mức độ bao phủ chính sách còn thấp, đặc biệt vẫn còn một bộ phận dân cư thật sự khó khăn chưa được hưởng trợ cấp như người nghèo kinh niên, không có khả năng lao động, không thể thoát nghèo; người mắc bệnh hiểm nghèo, nan y phải điều trị bệnh dài ngày (bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, tim bẩm sinh), đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, trẻ em nghèo; nhất là đối tượng là người di cư tự do, phi chính thức. Để bảo đảm các đối tượng yếu thế được trợ giúp cần rà soát tiêu chí xác định đối tượng nhằm bao phủ số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, trình tự thủ tục, quy trình quyết định chính sách phức tạp. Việc thống kê, rà soát nắm đối tượng ở các địa phương, cơ sở chưa thường xuyên, chặt chẽ, còn bỏ sót đối tượng. Chế độ báo cáo chưa được thực hiện tốt.

Trước thực trạng tác động của những đại dịch mang tính chất toàn cầu như đại dịch Covid-19 vừa qua; vấn đề đặt ra là cần bổ sung nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào chính sách hỗ trợ của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP như người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (người di cư, lao động tự do, lao động khu phi chính thức…) người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc bị giãn việc giảm sâu thu nhập.

Trong tiến trình sửa đổi Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, Mnet mong muốn có thể khuyến nghị, đề xuất về việc cần đưa nhóm đối tượng là “Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (người di cư, lao động tự do, lao động khu phi chính thức…) người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc bị giãn việc giảm sâu thu nhập do bệnh dịch, thiên tai mà không căn cứ vào tình trạng nghèo, cận nghèo” trở thành đối tượng của chính sách trợ giúp đột xuất.

Chi tiết xem tại: ToR _Chuyen gia tu van xay dung khuyen nghi ND 136 – 01102020

Ứng viên quan tâm được yêu cầu cung cấp CV và mức phí tư vấn trước 24h ngày 9.10.2020 qua địa chỉ email:

Email: ngoc.nguyenbich@lightvietnam.org 

Nguyễn Bích Ngọc – Mạng lưới Hành động vì lao động di cư Mnet

Tel: 0973 460 646