Để thúc đẩy, duy trì hoạt động của các nhóm lao động di cư nòng cốt, mới đây mạng lưới lao động di cư Việt Nam (M.Net) đã tổ chức Hội thảo thường niên chia sẻ kinh nghiệm và tăng quyền năng để duy trì bền vững nhóm lao động di cư.

Hợp sức, tăng lực cho lao động di cư
Ông Lê Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) – đơn vị được giao tổ chức sự kiện cho biết đây là hoạt động thường niên. Hàng năm các nhóm di cư trong cả nước ngồi lại với nhau với mong muốn chia sẻ các hoạt động thực hiện hàng năm và rút ra những bài học kinh nghiệm triển khai trong quá trình thực hiện. Đồng thời hội thảo cũng bàn luận các giải pháp giai đoạn tiếp theo để triển khai hoạt động của lao động di cư trước thềm kết thúc Dự án Thúc đẩy bảo vệ quyền cho lao động di cư Việt Nam.

“Hội thảo có nhiều tác động. Đầu tiên tạo cơ hội để các thành viên nòng cốt chia sẻ học hỏi kinh nghiệm duy trì hoạt động. Mặt khác đây cũng là nơi để lao động di cư cùng trao đổi nhu cầu mối quan tâm, những vấn đề họ gặp phải tới nhà hoạch định chính sách. Đặc biệt, đây là cơ hội để tăng cường liên kết giữa nhóm lao động di cư trong cả nước”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Sơn cho biết, qua 5 năm tổ chức năng lực của thành viên nòng cốt đã có sự thay đổi. Lao động tự tin hơn, có khả năng xác định các vấn đề cốt lõi của lao động di cư. Qua đó, để họ tự tin chia sẻ thông tin, thảo luận các biện pháp giải quyết với các bên liên quan. Đây cũng là cơ hội để các nhóm lao động di cư nòng cốt chia sẻ các bài học kinh nghiệm thành công, chưa thành công để có cách vận hành hiệu quả các nhóm thành viên.

“Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các tổ chức đồng hành cũng rút ra được kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các nhóm thực hiện duy trì hoạt động của họ. Đồng thời xác định được những khoảng trống năng lực của các nhóm nòng cốt để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời”, ông Sơn nói.

Bà Lê Thúy Hạnh – Tổ chức Oxfam cho biết, Oxfam đã luôn đồng hành với mảng lao động và lao động di cư. Trong đó, sau khi phân tích Oxfam nhận thấy rằng lao động di cư tự do là nhóm lao động yếu thế vì thế tập trung hỗ trợ cho nhóm này.

Chính bởi vậy Oxfam đã hỗ trợ Mnet trong bước đi đầu tiên, và sau 2 năm quay trở lại thấy Mnet rất phát triển. Những phát triển ấy là rất tích cực các nhóm thành viên đã thảo luận đa dạng. M.net được Oxfam thúc đẩy quản trị tốt, được hỗ trợ bởi các tổ chức đồng hành, hỗ trợ di cư nội địa, nông thôn – đô thị thấy hai vấn đề là quyền lao dộng và quyền được tiếp cận an sinh.

“Vấn đề thay đổi hệ thống chỉ diễn ra được khi có thảo luận các bên liên quan khác. Đây là hoạt động tiếp nối với sự kiện hoạt động tăng cường năng lực cho nhóm lao động di cư nòng cốt tại Ba Vì. Trong hoạt động tại Ba Vì người tham dự là trưởng nhóm, nhưng lần này chúng tôi muốn mở rộng sự tham gia của người lao động để có thêm tiếng nói của người lao động”, bà Hạnh nói.

Trong Hội thảo lần này, các nhóm đã xác định được những người chủ chốt; nâng cao năng lực thức đẩy liên kết; chia sẻ vấn đề mối quan tâm; chiến lược rút lui.

Tại Hội thảo, các nhóm nòng cốt về giúp việc gia đình; công nhân lao động; thu gom rác, nhóm bốc vác…. đã có những thảo luận cụ thể về vấn đề góp ý, tác động thay đổi chính sách.

Nhóm thu gom rác ở TP Hồ Chí Minh đã trình bày câu chuyện về việc tham vấn góp ý chính sách với chính quyền trong việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác.

Anh Lê Thành Thảo – trưởng nhóm thu gom rác cho biết, do yêu cầu chuyển đổi phương tiện khiến nhiều lao động làm nghề thu gom rác gặp khó khăn vì không có tiên mua phương tiện. Trước thực trạng đó, các lao động làm nghề thu gom rác ở 7 quận thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh đã ngồi lại với nhau thảo luận, ra kiến nghị rời thời hạn chuyển đổi phương tiện. Kết quả thay vì đầu năm 2019 phải chuyển phải chuyển đổi phương tiện, thì sau khi đưa khuyến nghị với sự giúp đỡ của SCID thì thành phố đã quyết định rời việc chuyển đổi sang năm 2023.

“Điều này đã hỗ trợ được rất nhiều cho lao động, quá đó lao động thu gom rác tích lũy tiền, chuẩn bị để chuyển đổi phương tiện”.
Hội đề nghị thành lập được liên hiệp thu gom rác thay vì HTX, thực hiện tọa đàm chuyển đổi phương tiện. Lao động cũng đã tìm hiểu đưa ra được mẫu xe thu gom rác mới phù hợp, giá thành rẻ hơn nhiều.
“Mẫu xe cũ của chúng tôi làm chỉ 45-50 triệu, trong khi đó mẫu xe được đơn vị quản lý giới thiệu có giá quá cao, gấp 10 lần. Với mức giá thành cao như vậy, người thu gom rác rất khó có thể tiếp cận”, anh Thảo nói.

Sau nhiều lần thảo luận, chính quyền 1 số quận đã đồng ý cho chạy thử các mẫu xe theo khuyến nghị của lao động. Đây là thành quả ban đầu của nhóm.

Không chỉ nhóm thu gom rác, nhiều nhóm lao động nòng cốt như nhóm công nhân; nhóm giúp việc gia đình; nhóm bốc vác…. cũng có bài trình bày về sự liên kết thành viên trong các nhóm.

Để tiếp tục tăng sức mạnh cho lao động di cư, ông Sơn kiến nghị, cần thu hút thêm sự tham gia của các nhà hoạch định và thực thi chính sách (bao gồm cơ quan lý và nhà nghiên cứu và các tổ chức xã hội đang làm trong lĩnh vực an sinh xã hội) làm về lĩnh vực di cư.
“Thêm nữa cần tiếp tục nâng cao năng lực cho nhóm lao động di cư nòng cốt đủ khả năng duy trì, vận hành khi không còn sự hỗ trợ của các nhóm đồng hành”, ông Sơn nói.