Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII là sự kiện chính trị quan trọng dự kiến tổ chức đầu tháng 3/2022, nhằm đánh giá toàn diện phong trào phụ nữ và hoạt động Hội 5 năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022 – 2027. Trong đó, “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” sẽ là phong trào thi đua mới được Đại hội XIII sắp tới xem xét, phát động.
Góp ý vào nội dung này, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light), cho rằng: Bối cảnh toàn cầu nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 (CN 4.0) đã và đang tác động đến toàn cảnh xã hội cũng như tác động đến từng quốc gia, từng gia đình và từng cá thể trong xã hội, trong đó có người phụ nữ. CN4.0 đã đi vào từng ngõ ngách đời sống con người, từ việc cung cấp thông tin, ứng dụng vào vận hành – điều kiển các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ cho cuộc sống hàng ngày trong công việc, trong gia đình và kể cả giao tiếp giữa các cá nhân với nhau.
Phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận với các phương tiện hiện đại trong cuộc sống hàng ngày.
Phụ nữ thời đại mới cần lấy công nghệ là phương tiện phát huy tối đa năng lực
Theo đánh giá, Việt Nam là thị trường kinh tế số có mức tăng trưởng cao và tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị khoảng 14 tỷ USD và dự kiến đạt 52 tỷ vào năm 2025. Theo Statista, tỷ lệ sở hữu smartphone có thể xem như một chỉ số để đo lường mức độ phát triển của nền kinh tế của một quốc gia; Năm 2020, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới với tỷ lệ là 63,1% người dùng.
Do vậy, theo bà Nguyễn Thu Giang, nội hàm “người phụ nữ thời đại mới” trong thời đại CN4.0 sẽ cần phải linh hoạt hơn, năng động hơn để có thể nắm giữ được công nghệ, lấy công nghệ là phương tiện phát huy tối đa khả năng, năng lực của mình trong giảm nghèo, phát triển kinh tế cũng như gắn kết gia đình, giao tiếp – giao lưu – kết nối trong gia đình, trong cộng đồng và trong môi trường quốc tế.
Bên cạnh đó, “người phụ nữ thời đại mới” cùng có nhiệm vụ gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình và quốc gia cùng như truyền lại cho thế hệ sau.
Tiêu chí đối “người phụ nữ thời đại mới” sẽ không chỉ là học thức, kinh nghiệm mà còn là sự chủ động, khả năng nắm giữ -điều khiển -sử dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày trong công việc cùng như trong gia đình.
Là một tổ chức xã hội có kinh nghiệm gần 20 năm làm việc với các nhóm yếu thế, Viện LIGHT đã đồng hành với người phụ nữ yếu thế ở các lĩnh vực: người nghèo, người khuyết tật, người DTTS, người nhiễm HIV, người di cư, người cao tuổi, trẻ em gái…
“Chúng tôi nhận thấy khát khao được tiếp cận, làm chủ công nghệ của họ, những phụ nữ yếu thế chưa bao giờ giảm sút, tuy nhiên để có thể tiếp cận được CN40 thì phụ nữ yếu thế gặp rất nhiều rào cản mà trong đó vấn đề bình đẳng giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới cũng như vấn đề nghèo đã làm phụ nữ Việt Nam thời đại CN4.0 bị hạn chế rất nhiều”, bà Nguyễn Thu Giang nói.
Đầu tư cho nhóm đối tượng đặc biệt
Theo đại diện Viện LIGHT, việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” sẽ là động lực cũng như cam kết của Hội LHPN Việt Nam để nâng cao năng lực, vai trò của Người phụ nữ Việt Nam trong thời đại CN4.0.
Hiện nay, phụ nữ Việt Nam đặc biệt là thế hệ nữ thanh niên Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận, làm chủ CN4.0 và có những thành tựu, kết quả đã được ghi nhận trên tầm quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên đa phần người phụ nữ Việt Nam còn hạn chế tiếp cận CN4.0 do vẫn phải hoàn thiện các vai trò, nhiệm vụ bình thường nên năng lực, khả năng tiếp thu, sử dụng được CN4.0 còn thấp đặc biệt là nhóm nữ yếu thế: người nghèo, người khuyết tật, người DTTS, người nhiễm HIV, người di cư, người cao tuổi, trẻ em gái…
Việc “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” cần được coi như là đầu tư cho nhóm đối tượng đặc biệt, đảm bảo tính bền vững của một quốc gia, nhất là đối với các nhóm nữ yếu thế. Do vậy khi thiết kế, xây dựng chương trình, tiêu chí cần có các mục đích, mục tiêu, các chỉ số cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn và từng đối tượng cũng như bố trí ngân sách phù hợp đầu tư cho nhóm này để đảm bảo các bước vững chắc cho nữ yếu thế tiếp cận, nắm giữ và làm chủ công nghệ trong cuộc sống hàng ngày, từ đó góp phần thoát nghèo, tham gia sâu rộng hơn các vấn đề xã hội cũng như góp phần gia đình hạnh phúc và sự phát triển của con cái, thế hệ tương lai của một quốc gia.
Cần huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức tư nhân, doanh nghiệp để tận dụng các kinh nghiệm đáng quí, tận dụng nguồn nhân lực cũng như vật lực của các đối tác này trong quá trình “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” để góp phần người phụ nữ Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn và song hành với quốc tế.