Công nhân, lao động đón ngày lễ buồn nhất trong lịch sử

 Kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế lao động (ngày 1/5) trong tình cảnh thị trường lao động – việc làm trong nước và thế giới khá u ám. Mất việc làm, giảm thu nhập sâu rộng là một trong những vấn đề được công nhân lao động toàn thế giới đề cập nhiều nhất lúc này.

Nghiên cứu về tác động của dịch Covid-19 tới người lao động di cư của Viện Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) cho thấy có 72% đã bị giảm thu nhập từ 50% trở lên

 Hơn 1,6 tỷ người trên thế giới mất việc làm

Kể từ khi xuất hiện dịch Covid -19, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố rất nhiều báo cáo về tình hình thế giới việc làm.

Báo cáo số 3 của ILO công bố tháng 4/2020 cho thấy hơn 1,6 tỷ người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mất đi sinh kế.

Theo một báo cáo mới của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), mức sụt giảm thời giờ làm việc khổng lồ gây nên bởi cuộc khủng hoảng Covid -19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và thu nhập ở Châu Á và Thái Bình Dương.

 Báo cáo Triển Vọng Việc làm và Xã hội châu Á – Thái Bình Dương cho biết, dịch bệnh Covid -19 đã làm mất đi 81 triệu việc làm trong năm 2020. Ở hầu như tất cả các quốc gia trong khu vực số lượng việc làm đều giảm so với năm 2019.

 Cuộc khủng hoảng đã và đang gây nên tác động ngày càng sâu rộng, khi có hàng triệu lao động bị yêu cầu cắt giảm thời giờ làm việc hoặc thậm chí là không làm giờ nào. Nhìn chung, ước tính thời giờ làm việc ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã giảm 10,7% trong quý III năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực tăng từ 4,4% năm 2019 lên mức 5,2% – 5,7% trong năm 2020.

Theo bà Chihoko Asada Miyakawa – Phó Tổng Giám đốc ILO kiêm Giám đốc Văn phòng ILO khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Đại dịch Covid -19 đã giáng một đòn mạnh vào các thị trường lao động của khu vực, và không nhiều chính phủ trong khu vực có khả năng sẵn sàng giải quyết. Diện bao phủ an sinh xã hội thấp và năng lực thể chế hạn chế của nhiều quốc gia khiến cho họ khó có khả năng giúp doanh nghiệp và người lao động đứng vững trên đôi chân của mình.

Do số giờ làm việc được trả lương ít hơn, thu nhập trung bình cũng giảm. Nhìn chung, ước tính thu nhập từ việc làm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong ba quý đầu năm 2020 đã giảm khoảng 10%. Một hệ quả khác là sự gia tăng các mức độ người có việc làm vẫn nghèo (thu nhập chưa tới 2 USD/1 ngày). Toàn khu vực có 98 triệu người trong đó có 25 triệu người có việc làm nhưng vẫn nghèo vừa phát sinh.

Ông Guy Ryder – Tổng Giám đốc ILO  cho rằng: “Sự gia tăng bất bình đẳng do cuộc khủng hoảng Covid -19 gây nên có nguy cơ để lại một hệ quả lâu dài về nghèo đói và bất ổn về kinh tế và xã hội, và đây là điều vô cùng tồi tệ.”

Việt Nam cùng chung số phận

Tại Việt Nam tính đến hết tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 (Tổng cục Thống kê) bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 70% người bị giảm thu nhập, 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đầu năm 2021, tình hình có vẻ được cải thiện nhưng tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm của Việt Nam vẫn cao.  Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước (quý I/2020). Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,42% và 2,20%, tăng so với quý I/2020.

Bà Valentina Barcucci – Chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam cho rằng: Tăng trưởng kinh tế chậm lại làm giảm các cơ hội việc làm, trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam hiện vẫn tăng lên hàng năm. Đối với những người có việc làm thì việc làm cũng có chất lượng thấp hơn so với các năm trước.

Bà Vũ Thị Thu Thủy – Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin vào thống kê (Tổng cục Thống kê) nhận định: “Dịch Covid -19 khiến nhiều người lao động mất việc làm, trở thành lao động phi chính thức. Tình trạng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng cao (0,6 điểm phần trăm) trong năm 2020 trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây.”

Các nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ cũng cho thấy dịch Covid -19 tác động mạnh mẽ tới sức khỏe việc làm lao động. Nghiên cứu về tác động của dịch Covid-19 tới người lao động di cư vào đầu năm của Viện Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (Light) cho thấy có 72% người di cư trong nghiên cứu cho biết đã bị giảm thu nhập từ 50% trở lên. Đặc biệt, từ khi có dịch, lao động bị chịu tác động kép. Tức là thu nhập giảm nhưng chi phí phát sinh, sinh hoạt phí lại cao hơn rất nhiều.

Lý giải điều này, Bà Nguyễn Thu Giang – Viện phó Viện Light cho rằng nguyên nhân là thời gian lao động đi làm ít, thời gian ở nhà nhiều nên chi phí cho ăn uống, điện nước, xe cộ đi lại… cũng nhiều hơn. Nhiều gia đình không có tích lũy, bị lạm phát, lương không đủ sinh hoạt.

“Thu nhập của công nhân, lao động tại một số khu công nghiệp giảm từ 7,8 triệu đồng xuống còn 4,7 triệu đồng (giảm 3,1 triệu đồng/tháng). Thu nhập giảm nhưng chi tiêu lại tăng lên. Cụ thể, trước Covid-19, lao động chi tiêu chỉ 7,5 triệu đồng/tháng, nhưng trong giai đoạn giãn cách và sau đó chi tiêu lên tới 9 triệu đồng (tăng lên tới 1,5 triệu đồng/tháng)”.

                           Nghiên cứu về tác động của dịch Covid-19 tới người lao động di cư của Viện Light

Ông Phạm Minh Huân – Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng chỉ có tăng việc làm mới tăng thu nhập. “Để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động chỉ có cách tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chính phủ cần thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài chính sách vốn, tín dụng, cần tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, kéo dài thời gian tạm hoãn đóng BHXH…”, ông Huân nói.

 

                                   Công nhân lao động Việt Nam – đối tượng bị tác động mạnh bởi dịch bệnh. 

Tác giả: Thùy Anh

Tác giả ảnh: Minh Anh