Ngày 29-30/11/2022, Viện sức khỏe cộng đồng ánh sáng (LIGHT) và Trung tâm phát triển cộng đồng (CCD) đã hỗ trợ truyền thông và tập huấn cho các chủ Doanh nghiệp thuộc CLB nữ doanh nhân Điện Biên dưới sự tài trợ của UNWOMEN ở Việt Nam trong nỗ lực “Tạo môi trường làm việc an toàn và bình đẳng tại nơi làm việc” để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến sức lực cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp tại Điện Biên.
Tham gia buổi truyền thông có hơn 30 CLB doanh nhân nữ và đại diện các chủ cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp cũng nhận thấy rằng “Bộ luật Lao động 2019 đã có các quy định về an toàn lao động, chính sách cho lao động nữ đặc biệt là quy định phòng chống quấy rối tình dục đã được quy định tại điều luật, các văn bản hướng dẫn luật đã có nhiều quy định chi tiết hơn, bao gồm thế nào là nơi làm việc, quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc xây dựng quy định phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động… phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ tạo ra môi trường làm việc an toàn và giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Việc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu, rộng vào các hiệp định thương mại quốc tế”
Đây cũng là 1 trong những hoạt động thúc đẩy chuỗi các sự kiện hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022”
Bà: Phạm Huyền Châm – Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nhân nữ Điện Biên chia sẻ “ Các nữ doanh nhân Điện Biên chưa được tiếp cận, nghe các chương trình này bao giờ nên rất lúng túng, không biết làm thế nào trong việc xử lý, bảo vệ người lao động trước các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Buổi nói chuyện hôm nay cực kỳ hữu ích cho các thành viên của Câu lạc bộ, đã giúp chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc truyền thông cho người lao động nhận biết các hành vi quấy rối tình dục, đặc biệt là ứng phó với các hành vi này bao gồm có quy trình rõ ràng tiếp nhận, xử lý vụ việc cũng như có chính sách phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc từ đó góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.”
Bà: Trinh Thị Mến – CLB sức sống trẻ, cho biết “Tôi kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, nhân viên của tôi là các thiếu nữ người dân tộc, họ chưa được nghe về các vấn đề này bao giờ cũng như họ chưa có kinh nghiệm tiếp xúc với những lời dụ dỗ của khách hàng nên dễ tin và bị lừa dối gây hậu quả nghiêm trọng. Truyền thông cho người lao động dân tộc thiểu số cũng là giúp bảo vệ họ, bảo vệ nguồn nhân lực của chúng tôi trước các hành vi, nguy cơ quấy rối tình dục giúp cho kinh doanh của chúng tôi phát triển”.