Đối với những người lao động, thì 1-5 chính là ngày Tết lao động, là ngày toàn quốc được nghỉ ngơi. Nhưng những ngày ấy, có thực sự là ngày “Tết lao động” của những lao động di cư phi chính thức không?
Một ngày đông lành lạnh, có một chút mưa phùn rơi, chúng tôi tình cờ được gặp và trò chuyện với cô Bình – người lao động di cư bán bánh mỳ rong về ngày “Tết lao động 1-5”. Với cô Bình, ngày nào cũng là ngày lao động, làm gì có ngày nào mang tên “kỉ niệm ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế”? hay “ Tết lao động”?.
Túi tiền mưu sinh của cô phụ thuộc vào rất nhiều hoạt động của công nhân các Khu Công Nghiệp. Họ nghỉ, thì cô sẽ được nghỉ còn họ đi làm, họ có nhu cầu mua bánh mỳ thì dù khỏe hay yếu, thế nào cô cũng phải cố gắng để đi bán hàng.
Mỗi con người, một số phận
Cuộc sống vất vả như vậy, nhưng cô Bình luôn vui cười với mọi người xung quanh. Nên dù đã ngoài 50 tuổi, ở trọ trên Hà Nội nhưng cô vẫn không quá lo lắng hay sợ hãi khi mà có những người hàng xóm tốt bụng, luôn sẵn sàng hỗ trợ cô lúc khi cần. Nhưng cứ mỗi lần có cơ hội để chia sẻ về lý do vì sao cô phải lên Hà Nội mưu sinh, cô đều cố nén, nói thật chậm, và quẹt nhanh những giọt nước mắt nóng hổi, để dấu đi niềm thương xót với chính bản thân mình. Cô không muốn ai thương hại cô, cũng không muốn ai nói mình đem câu chuyện của bản thân để “mua” lòng thương của người khác.
Cú sốc đầu tiên của cô là mất đi đứa con trai duy nhất, đã suy sụp lắm rồi. Ấy thế mà ông trời vẫn còn muốn thử thách trái tim người phụ nữ ấy với việc người chồng bị bệnh thần kinh, thỉnh thoảng còn đánh đuổi cô ra khỏi nhà. Rồi những buổi tối lang thang, những buổi tối phải đi xin ngủ nhờ nhà này nhà kia. Biết là không tốt thì nên bỏ đi, nhưng làm sao bỏ được khi đó là người chồng bao năm qua của mình, và hiện tại người ấy còn đang bệnh tật nữa chứ?
Cuộc sống vẫn cứ trôi, cố gắng nỗ lực thì những điều tốt đẹp sẽ tới!
Đó cũng là lý do, vì sao cô dù đã nhiều tuổi, dù công việc vất vả, dù tiền thu được hàng ngày cũng chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng cô vẫn một thân một mình bươn trải kiếm sống trên Hà Nội đất chật người đông. Dù vậy, nếu tích cóp, chi tiêu tiết kiệm thì cô vẫn có đủ ngày ba bữa. Vẫn có áo mặc, vẫn có một ít tiền gửi về nuôi chồng. Quan trọng chính là những nụ cười, sự sẻ chia của những người lao động di cư cùng cảnh ngộ.
Và rồi, như một cái duyên, dự án 3Ms – chuỗi cửa hàng kết nối người lao động di cư xung quanh khu vực BTL, gặp được và hỗ trợ cô Bình. Để cô có một phương tiện mưu sinh tốt hơn, cũng khiến áp lực về mặt kinh tế của cô giảm xuống đáng kể. Cô từng có lúc chia sẻ “ đã từng bị lừa đi bán hàng đa cấp một lần, mất tiền. Nên rất sợ, nhưng may quá gặp được dự án này là thật, cô được hỗ trợ thật, cô cũng cảm ơn nhà tài trợ và các cháu đã hỗ trợ cô, cô cảm động lắm!”.
Vậy là, cái “Tết lao động” đã sắp gần, đã thật gần hơn với cô Bình của hôm nay và ngày mai, ngày sau nữa!
Ông trời, không bao giờ phụ lòng người, đặc biệt là những người dám nỗ lực để có cuộc sống tốt đẹp hơn!
———————–
Dự án 3Ms: dự án chuỗi cửa hàng kết nối người lao động di cư khu vực Bắc Thăng Long
Được tài trợ bởi Câu Lạc Bộ Phụ Nữ Quốc Tế – HIWC và được thực hiện bởi Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng – LIGHT