Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã – đang không ngừng thúc đẩy bình đẳng giới và đã đạt được những thay đổi nhất định. Tuy nhiên, vẫn có nhiều những quan điểm sai lầm về bình đẳng giới. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phản biện lại 4 quan điểm mà nhiều người vẫn đang hiểu sai.

  1. Bình đẳng giới là đấu tranh cho phụ nữ, chống lại đàn ông

Đây là một quan điểm sai lầm thường thấy khi người ta muốn phê phán những người đấu tranh cho bình đẳng giới. Quan điểm này hoàn toàn sai bởi:

Thứ nhất, bình đẳng giới là đấu tranh cho mọi giới tính, cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho riêng phụ nữ hay cho riêng bất cứ một cá nhân nào. Mục tiêu của bình đẳng giới là: giới tính không phải giới hạn. Vì vậy, nếu nói bình đẳng giới chỉ dành cho phụ nữ là sai, hoàn toàn không có cơ sở.

Trong xã hội hiện nay, đàn ông cũng đang phải chịu nhiều bất công, nhiều hạn chế, khuôn mẫu xuất phát từ giới tính của mình như: những khuôn mẫu về sự nam tính, đàn ông phải mạnh mẽ, kiềm chế cảm xúc, phải là trụ cột gia đình… Những niềm tin đó đang khiến cho nhiều người đàn ông đang phải chịu gánh nặng, và không được sống đúng với con người thật của mình. Và bình đẳng thực chất chỉ đạt được khi đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của tất cả các giới tính.

Thứ hai, đấu tranh cho bình đẳng giới không bao giờ là “chống lại” một giới tính nào đó

Một người hoạt động vì bình đẳng giới chân chính luôn hiểu rằng, đấu tranh không có nghĩa là chống lại một giới tính cụ thể nào đó. Đấu tranh cho bình đẳng giới là chống lại những khuôn mẫu, những định kiến về giới còn tồn tại trong xã hội, nhằm giải phóng con người, cho họ những quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng.

  1. Xã hội đã đạt được bình đẳng giới nên không cần đấu tranh nữa

Bạn vừa ăn no không có nghĩa là nạn đói đã được xóa sổ. Số liệu thống kê cho thấy bất bình đẳng giới còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Số liệu do cơ quan tư vấn Korn Ferry (Mỹ) thu thập từ 25 nước cho thấy, nữ giới và nam giới làm công việc như nhau, cùng một cơ quan, nhưng thu nhập của nữ giới chỉ bằng 98% của nam giới; phụ nữ làm nhiều việc hơn so nam giới nhưng được trả lương thấp hơn và ít có cơ hội được đề bạt. Do tâm lí trọng nam khinh nữ, chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam còn rất lớn, khoảng 112 trẻ trai/100 trẻ gái (số liệu năm 2016). Ở một số nước Hồi giáo, phụ nữ không có tiếng nói trong gia đình và về mặt chính trị, bị bắt phụ thuộc nhiều mặt vào đàn ông. Bạn có thể tìm những báo cáo, những số liệu ở trang web https://genderstats.un.org/#/home để biết thêm chi tiết.

Những khuôn mẫu, định kiến ngầm vẫn luôn tồn tại trong xã hội. Đàn ông phải là trụ cột gia đình, phụ nữ không hợp với những ngành kĩ thuật, con trai không được khóc, không được “yếu mềm” là những khuôn mẫu khá phổ biến. Những thứ khó có thể thống kê như suy nghĩ, niềm tin nhưng vẫn đang đặt ra những giới hạn, những tiêu chuẩn kép cho cả nam và nữ, những suy nghĩ đó cần được thay đổi và chắc chắn để đạt đến bình đẳng giới còn cần đi một chặng đường dài.

  1. Bình đẳng giới là bắt phụ nữ làm những công việc “dành cho đàn ông” và ngược lại

Đây có lẽ là quan điểm sai nhất về bình đẳng giới, khi những người chỉ trích cho rằng các nhà nữ quyền đang cố gắng bắt phụ nữ phải có địa vị trong công việc tương đương với đàn ông, phải tham gia vào nền kinh tế, trở thành luật sư, bác sĩ, chính trị gia; còn đàn ông phải làm việc nhà, phải chăm sóc con, …

Nhưng đâu phải như vậy? Đấu tranh cho bình đẳng giới là đấu tranh để mọi người đều được tạo điều kiện để làm những việc theo ý muốn của mình, không bị giới hạn bởi giới tính. Một bạn nữ muốn ở nhà làm nội trợ, làm mẹ, làm vợ, chăm sóc con cái, chẳng có gì là mâu thuẫn với các phong trào nữ quyền nếu như bạn ấy hoàn toàn muốn như vậy và không bị ép buộc/gây áp lực bởi gia đình và xã hội. Điều đó chỉ có vấn đề khi bạn ấy bị tước đoạt những cơ hội học hành/làm việc chỉ vì giới tính của mình. Đấu tranh cho bình đẳng giới là đấu tranh cho quyền tự do lựa chọn của mỗi người.

Hơn nữa, khó có thể nói việc nào là phù hợp với phái nam hơn, việc nào là phù hợp với phái nữ hơn.

Vậy tại sao người ta lại phải quan tâm khi tỉ lệ giới tính trong một công việc chênh lệch? Chẳng phải lựa chọn ngành nghề nào là quyền của mỗi người hay sao? Đặt ra tiêu chí về tỉ lệ đại biểu quốc hội là nữ liệu có phải đang ép phụ nữ phải làm chính trị? Để trả lời câu hỏi này, hãy nghĩ đến trường hợp điểm thi ở Hà Giang. Tại sao người ta lại phải điều tra khi phổ điểm bất thường, chênh lệch quá lớn so với tỉ lệ hoàn hảo?

  1. Bản chất đàn ông và phụ nữ đã khác nhau thì còn đòi bình đẳng cái nỗi gì?

Những người nói ra điều này thường kèm theo một luận điểm cho rằng bình đẳng giới là cào bằng tất cả. Rõ ràng bản chất sinh học giữa nam và nữ có nhiều khác biệt.

Tuy nhiên ở đây có hai điểm cần lưu ý

Thứ nhất, bình đẳng giới không chối bỏ sự khác biệt giữa các giới tính. Bình đẳng giới chỉ làm việc để với tất cả những sự khác biệt, đều được đối xử công bằng, có cơ hội tiếp cận và sử dụng nguồn lực như nhau,

Thứ hai, nam và nữ không quá khác biệt như nhiều người vẫn nghĩ. Nhiều người vẫn luôn nghĩ đàn ông và phụ nữ khác nhau hoàn toàn về tâm sinh lí. Đàn ông mạnh mẽ, quyết đoán, không thích tám chuyện; phụ nữ mau nước mắt, giàu cảm xúc, tỉ mỉ, thích túm năm tụm ba… Tuy nhiên điều này không do bản chất của nam và nữ mà chủ yếu là do môi trường sống, niềm tin và khuôn mẫu trong xã hội. Các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây:

http://tamlyhoctoipham.com/bai-viet-chi-ra-sai-lam-lon-cua-luan-thuyet-dan-ong-sao-hoa-dan-ba-sao-kim

Theo: Tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam VOGE