[Dự án Pace – Dự án Tiến bộ bản thân và thăng tiến trong sự nghiệp tại cộng đồng]

Cuộc sống người lao động di cư tại các khu công nghiệp đều rất vất vả. Nhưng chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu tường tận sự vất vả đó của họ. Các tổ chức xã hội nói chung, Viện Light nói riêng, cũng đang cố gắng nỗ lực từng ngày. Kết nối những nguồn lực của xã hội, cộng đồng để nâng cao chất lượng cuộc sống của những người lao động di cư một cách bền vững.

Dưới đây là một vài dòng chia sẻ từ câu chuyện của một người lao động trong khu công nghiệp. Để hiểu rõ hơn về những khó khăn, cũng như những mong muốn sâu kín mà họ cần xã hội, cộng đồng nói chung và các tổ chức CSOs nói riêng chung tay giúp đỡ họ nhé!

“ Tôi tên là Nguyễn Hải Vui. Tôi 30 tuổi. Quê tôi ở Hưng Yên và tôi hiện đang làm việc tại Kim Chung. Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông có 4 anh chị em. Hưng Yên quê tôi là miền quê nghèo khó, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, ngoài ra không có nghề phụ gì để kiếm thêm thu nhập. Sau khi học hết cấp ba, ở quê không có việc gì làm để có thu nhập, với mong muốn tìm một việc làm để nuôi sống bản thân và gửi tiền giúp đỡ bố mẹ, tôi cùng bạn đến Kim Chung tìm việc. Phần lớn thanh niên di cư chúng tôi làm việc trong các nhà máy sản xuất linh kiện trong khu công nghiệp Thăng Long. Dù không quá nặng nhọc nhưng làm trong nhà máy linh kiện điện tử, có một số chất độc hại và đặc biệt thời gian làm việc khá dài, ngày bình thường làm 8 tiếng nhưng lúc tăng ca là 12 tiếng /ngày, tăng ca rất thường xuyên.

Cuộc sống thuê trọ gặp nhiều khó khăn do không có người thân bên cạnh giúp đỡ. Phòng trọ nhỏ hẹp và cuộc sống ở đây muôn vàn thứ phải chi tiêu. Trong khi thu nhập không cao, nhưng vẫn luôn cố gắng. Tuy khó khăn là vậy nhưng chúng tôi luôn động viên nhau phải cố gắng, bên cạnh đó chính quyền địa phương, chủ nhà trọ cũng thường xuyên giúp đỡ, động viên. Từ khi lên Hà Nội, tôi rất ít có thời gian tham gia các hoạt động tại địa phương. Tôi không tự tin khi sống ở nơi trọ, cuộc sống chỉ đi làm rồi về phòng mà không đi đâu. Khi được bác chủ nhà trọ, là cộng tác viên của PACE gọi tham gia chương trình, tôi thực sự rất ngại. Tại lớp tập huấn, ban đầu tôi còn không dám giới thiệu tên của mình. Cố gắng lắm mới có thể nói rành rọt tên với mọi người mà vẫn giữ được giọng nói của mình. Sau một năm tham gia chương trình, tôi đã được cung cấp rất nhiều kiến thức, cũng như tự tin lên rất nhiều. Có thêm nhiều mối quan hệ, mọi người trong dự án đều đối xử với tôi rất chân tình. Qua chương trình này, tôi cảm ơn tổ chức CARE, LIGHT đã tạo cơ hội cho tôi tham gia và thay đổi cuộc sống của mình. Tự tin là chính mình.”

————
Dự án PACE: Dự án Tiến bộ bản thân và thăng tiến trong sự nghiệp tại cộng đồng.
Được tài trợ bởi: Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam
Mục đích của dự án: Hỗ trợ nâng cao quyền cho phụ nữ thông qua việc tăng cường năng lực của cá nhân và các cơ hội phát triển kinh tế.
Thực hiện: Tổ chức Viện Phát triển Sức Khỏe Cộng Đồng Ánh Sáng ( Viện Light).